10 Loại tép thủy sinh dễ nuôi dành cho người mới bắt đầu.
Tép Cảnh hay Tép thủy sinh là một thú chơi ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam. Cũng giống như bất cứ thú chơi nào khác, nuôi tép thủy sinh đòi hỏi người chơi phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận và công chăm sóc nhiều hơn.
Để có một hồ tép cảnh như ý, việc lựa chọn những dòng tép đẹp, nhưng dễ nuôi là một điều hết sức quan trọng. Hãy cùng tham khảo 10 loại tép thủy sinh dễ nuôi cho những người mới bắt đầu đam mê nhé !
1. Tép RC (Tép Đỏ, Tép Anh Đào)
Tép RC (Red & Cherry) loài tép phổ biến nhất hiện nay. Những người chơi mới thường chọn loại tép này vì chúng dễ nuôi và không quá “kén chọn”.
Tép có màu đỏ rực bắt mắt, rất nổi bật trong hồ có nền rêu xanh. Ưu điểm là sức sống cao, khả năng thích nghi tốt với môi trường thủy sinh nước ngọt, nên được nhiều người chơi ưa chuộng.
Chế độ dinh dưỡng không quá phức tạp vì tép RC là loài ăn tạp. Tép RC đẻ rất nhiều và nhanh, các bạn cũng có thể bổ sung dinh dưỡng cho tép bằng cách cho ăn cám tép, rau quả, đặc biệt là dâu sẽ giúp màu tép đẹp hơn.
2. Tép Cam
Tép Cam dễ nuôi, thích nghi nhanh với môi trường, với màu cam hài hòa bao phủ toàn thân, là ưu tiên hàng đầu cho người mới bắt đầu chơi tép thủy sinh.
Giống như tép Đỏ, tép Cam là loài ăn tạp nên thức ăn chính của chúng là tảo, người chơi cũng có thể bổ sung thêm dinh dưỡng cho chúng bằng các loại cám tép hay rau quả khác, đặc biệt một số con khi ăn lá dâu có thể biến đổi ngả sang màu xanh.
3. Tép Blue Dream
Tép Blue Dream với màu xanh nước biển đặc trưng của mình, được ví như viên ngọc xanh của biển cả. Đây được xem là một dòng tép quý tộc được rất nhiều người yêu thích khi chọn mua.
Loài này tương đối dễ nuôi, không yêu cầu quá cao về môi trường sống. Chế độ dinh dưỡng tương tự như hai loại tép trên. Ánh sáng sẽ giúp kích thích cho màu xanh của chúng lên đẹp hơn.
Tuy nhiên có một đặc điểm cần phải lưu ý khi chọn nuôi giống tép này, là chúng dễ bị đồng huyết dẫn đến màu sắc nhợt nhạt và không nổi bật. Các bạn có thể tránh tình trạng này bằng cách chọn mua giống từ nhiều nguồn khác nhau.
4. Tép Mũi đỏ
Tép Mũi đỏ (hay tép mũi dài) là loại tép thủy sinh dễ tìm thấy trong tự nhiên với chiếc mũi dài màu đỏ đặc trưng của chúng. Đây là loài tép với ngoại hình và kiểu bơi kỳ lạ luôn chúi mũi xuống đáy hồ, tép Mũi đỏ khiến nhiều người chơi cảm thấy thích thú và chọn nuôi trong bể thủy sinh của mình.
Chúng có khả năng ăn rêu hại trong bể thủy sinh cực kì đáng nể. Khi nuôi đòi hỏi nhiều công chăm sóc, do đó phải luôn chú ý đến chất lượng nước và lượng thức ăn. Người nuôi tép mũi đỏ có thể bổ sung dinh dưỡng cho chúng bằng các loại cám tép và thức ăn khác.
5. Tép Rili
Tép Rili với màu đỏ rực lửa và những khoang màu trong suốt xen kẽ trên thân mình, là loại tép đặc biệt mà những người chơi tép thủy sinh đều muốn có.
Chúng tương đối dễ nuôi và không yêu cầu quá cao như các giống tép ong, người chơi chỉ cần đảm bảo một môi trường thủy sinh bình thường và hạn chế tạp chất, hóa chất trong bể.
Chế độ dinh dưỡng tương tự như tép đỏ, chúng ăn mọi thứ trong bể thậm chí cả tảo hại. Đặc biệt nếu được bổ sung cà rốt, Tép Rili sẽ lên màu rất đẹp. Người chơi cũng có thể nuôi chúng chung với tép đỏ để phối ra những con tép Rili khác có màu lạ hơn.
6. Tép Ong Huế
Là loài tép được lai tạo chọn lọc từ tép Ong, có màu sắc với những khoang trắng đen đặc trưng. Cũng như các loại tép Ong, tép Ong Huế nói chung rất khó nuôi và không dành cho những người mới bắt đầu.
Để nuôi loại tép này, người chơi phải chuẩn bị điều kiện môi trường sống trong hồ tương đối tốt từ nhiệt độ đến thành phần nước vì chúng rất nhạy cảm với môi trường.
Tép Ong Huế là loài ăn tạp, chỉ cần cho ăn đầy đủ và chế độ dinh dưỡng hợp lý thì chúng sẽ phát triển tốt. Thức ăn ưa thích của tép là ấu trùng muỗi, tảo viên, rau chần tươi và lá tầm ma khô. Các loài thực vật như gỗ cholla và lá hạnh nhân Ấn Độ cũng là một nguồn thực phẩm được chào đón.
7. Tép Ong Đỏ
Lại là một loài trong họ tép Ong, tép Ong Đỏ được nhận diện bởi hai màu đỏ và trắng đặc trưng cực kỳ bắt mắt của mình. Đây là loại tép khó nuôi và yêu cầu tương đối cao, nên cân nhắc khi mua loại tép này đối với người mới chơi thuỷ sinh.
Cũng như tép Ong Huế, tép Ong Đỏ rất nhạy cảm với môi trường nên người chơi cần chú ý rất nhiều về nhiệt độ cũng như khoáng chất trong hồ.
Tép Ong Đỏ là loài ăn tạp, chúng ăn bất cứ thứ gì trong bể. Tuy vậy để tép lên màu đẹp, ngoài cho ăn đầy đủ dưỡng chất, có thể bổ sung thêm khoáng vào nước cũng như cho ăn dâu.
8. Tép Ong Đen
Tép Ong Đen là một trong những loài tép thủy sinh được ưa chuộng tại Việt Nam. Dễ bị nhầm lẫn với tép Ong Huế vì những mảng màu trắng đen xen kẽ, giúp chúng luôn nổi bật trong bể nuôi.
Tuy thuộc họ tép Ong, nhưng tép Ong Đen lại dễ chịu với những thay đổi của môi trường. Để nuôi tốt người chơi cần trang bị kiến thức để chuẩn bị những điều kiện sống phù hợp cho chúng.
Chế độ dinh dưỡng hợp lí và cách chăm sóc phù hợp sẽ lên màu đẹp nhất của chúng. Những thực phẩm vô cơ như cám tép là một trong những lựa chọn có thể cân nhắc để cho tép ăn.
9. Tép Yamato
Tép Yamato được đặt cho tên gọi “dũng sĩ diệt rêu hại”, bởi khả năng dọn bể thủy sinh cực kì hiệu quả của mình. Chúng vừa làm đẹp cho bể, vừa trở thành một “máy hút bụi” chuyên dụng.
Dòng này dễ nuôi, vì chúng không có những yêu cầu quá cao về điều kiện và môi trường sống. Tép Yamato có một chế độ dinh dưỡng đơn giản, chúng có thể ăn rong rêu trong bể thủy sinh và các loại thức ăn dành cho tép khác.
10. Tép Thanh Mai
Tép Thanh Mai là dòng tép khá phổ biến trong cộng đồng người chơi thủy sinh tép cảnh ở Việt Nam. Với đặc điểm nhận dạng là thân mình trong, hơi ánh nâu nhạt và những vằn đen cách đều trên thân.
Khi nuôi giống tép này bạn sẽ không mất nhiều thời gian chăm sóc, vì chúng rất dễ nuôi và không yêu cầu một bể thủy sinh với chất lượng quá cao.
Thức ăn và chế độ dinh dưỡng cũng không phức tạp, tép Thanh Mai có thể ăn rong, rêu và tảo hại trong bể. Người nuôi có thể bổ sung dinh dưỡng cho tép bằng các loại thức ăn chuyên dụng để giữ màu, tăng độ màu, giúp tép lớn nhanh, sinh sản và phát triển tốt.
Hy vọng với bài viết này, Hotdeal Mua Sắm đã cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản và hữu ích về 10 loại tép thủy sinh dễ nuôi dành cho người mới bắt đầu. Chúc các bạn sẽ lựa chọn được những chú tép cảnh với màu sắc sặc sỡ để nuôi và trang trí cho bể thủy sinh của mình nhé.