Các loại cá bống cảnh và đặc điểm cơ bản cần lưu ý.
Phong trào nuôi cá bống cảnh trong hồ thuỷ sinh đang được nhiều người chơi ưa chuộng hiện nay. Cá bống cảnh vừa nuôi làm kiểng vừa có tác dụng giống như cá vệ sinh hồ, giúp loại bỏ các loại rêu hại, dọn sạch môi trường nước của bể thủy sinh.
Cá Bống cảnh có thân hình nhỏ nhắn và màu sắc tươi sáng nên được nhiều gia đình yêu thích và trưng bày trong bể cá cảnh.
Qua bài viết sau đây, Hotdeal Mua Sắm sẽ cùng bạn tìm hiểu những đặc điểm của các loại cá bống cảnh và tham khảo xem loại nào phù hợp để nuôi làm kiểng trong hồ thuỷ sinh của bạn nhé !
Đặc điểm của cá bống cảnh
Hiện trên thị trường có 2 dòng cá bống cảnh: nước mặn và nước ngọt. Tuỳ theo từng loại mà có đặc điểm và màu sắc nhận dạng riêng. Tuy nhiên chúng có cùng một số đặc điểm chung:
Cá bống cảnh có kích thước nhỏ và dài, đa số dài khoảng 10 cm. Vây lưng chia làm hai, có ngạnh cứng ở vây trước. Đuôi hình tròn, thân có nhiều màu sắc sặc sỡ hoặc trong suốt, rất được lòng giới chơi cá.
Đặc điểm dễ nhận thấy ở cá bống là miệng của chúng có hình dạng như giác hút. Cấu tạo cơ thể đặc biệt, giúp chúng có khả năng bám vào mặt đá, cây thuỷ sinh, thành bể hoặc đáy hồ. Chúng hút các chất bẩn và rong rêu, giúp kiểm soát rong tảo làm giảm thẩm mỹ của bể.
Hầu như cá bống cảnh có tập tính thích di chuyển ngược dòng nước. Chúng sống ở tầng đáy của hồ và có khả năng đào hang. Cá bống là loài ăn tạp, thức ăn của chúng khá đa dạng có thể là các loại cá nhỏ, tôm, tép, cua, côn trùng, trứng các loài cá khác, rong, rêu, tảo cát, ấu trùng,…
Cá bống cảnh có tuổi thọ rất ngắn, thông thường chỉ khoảng 3 – 4 năm. Một số loại cá bống nước mặn tuổi thọ có thể chỉ tối đa 60 ngày. Cá bống không phải loài cá hoạt động mạnh, chúng bơi khá chậm. Một số loài có tập tính di cư thường bơi vào sông để đẻ trứng như cá bống biển.
Các loại cá bống cảnh phổ biến
1/ Cá bống hai màu
Đây là dòng cá bống cảnh nước mặn có kích thước nhỏ, nổi bật với hai màu tím và vàng sặc sỡ riêng biệt. Phần đầu có màu tím và phần thân còn lại có màu vàng tươi. Là một loài cá cảnh biển, chúng cần được nuôi trong bể có dung tích tối thiểu khoảng 100 lít nước.
Đối với cá bống cảnh nuôi trong nhà, cá bống hai màu là lựa chọn hàng đầu để làm đẹp cho hồ cá. Nhưng không khuyến khích nuôi với số lượng lớn, do cá bống cảnh hai màu rất dũng cảm, chúng không hề sợ hãi các loài cá khác. Để bảo vệ lãnh thổ, chúng sẵn sàng chiến đấu với những con cá có kích thước lớn gấp 2 – 3 lần.
Thức ăn ưa thích của chúng là giun nhiều tơ, một loại sinh vật có hại, các loại sâu trong kẽ đá san hô. Người nuôi có thể cho cá ăn tôm cảnh và các loại thức ăn đông lạnh.
2/ Cá bống sọc đốm
Cá bống Sọc Đốm khá hiền lành và không hung hăng với các loài cá khác, có thân màu xanh đen với sọc màu vàng sáng nằm ngang cùng một bớ trên vây lưng. Loài này khi trưởng thành có thể dài đến 8.5 cm.
Nên nuôi Cá Bống Sọc Đốm trong hồ có dung tích là 38 lít hoặc lớn hơn. Cung cấp cho chúng các vật thích hợp hoặc đá sông để làm chỗ trú ẩn.
Chúng sẽ ăn hầu hết thức ăn bao gồm các loại thức ăn từ cá biển tươi sống, một lượng lớn tảo, giun và các loại thực phẩm chế biến sẵn như tôm brine, mysis giàu vitamin.
3/ Cá bống cờ
Cá bống cờ bao gồm 2 dòng: Bống cờ lửa, Bống cờ tím, cả 2 đều có kích thước trung bình từ 2.5 cm đến 7.5 cm. Cá Bống cờ lửa phần đầu có màu đỏ, cơ thể hơi hồng nhạt với hậu môn màu cam đỏ. Vây lưng, hậu môn và đuôi có vài đường sọc đen.
Cá bống cờ tím phần đầu có màu tím cộng với những chiếc vây màu đỏ hoặc cam kèm theo những đường sọc màu đen, cơ thể màu vàng hoặc màu trắng mà có thể chuyển dần sang màu đen cho tới bộ vây đuôi nhiều màu.
Những người nuôi Cá Bống Cờ nhất định phải chú ý có thêm nắp đậy cho bể cá hoặc bể thủy sinh. Đây là giống cá giữ chức vô địch trong việc nhảy ra khỏi bể, do vậy một cái bể có gắn mái che với ít lỗ trống sẽ rất cần thiết.
Đá sông hoặc các vật thích hợp khác có thể cung cấp chỗ trú ẩn cho cá, việc này giúp cho chúng thích nghi nhanh hơn và ít có cơ hội nhảy ra khỏi bể.
Các loại thức ăn phổ biến của cá bống cờ như động vật giáp xác nghiền nhỏ, cá sông, tôm, các loại thức ăn dạng viên cho cá nước mặn.
4/ Cá bống vàng
Cá bống vàng có miệng biến đổi hình dạng giống như giác hút, viền mép hơi nhọn. Cá có ba đôi râu. Vây cá bống vàng ngắn nhỏ, vây đuôi lõm sâu. Trên thân cá có vảy nhỏ, đầu trơn không vảy. Cá trưởng thành có kích thước khoảng từ 10 cm đến 17 cm.
Cá bống vàng là loài ăn tạp, chúng rất dễ nuôi và ưa thích môi trường nước sạch. Cá sinh sống ở các vùng nước cạn, nước chảy chậm. Đối với khu vực có nước chảy mạnh, chúng sử dụng miệng để bám vào các bề mặt phẳng để từ từ di chuyển. Đồng thời khi di chuyển chúng cũng hút hết các chất bẩn hoặc rong rêu bám trên mặt đá hoặc đáy bể.
5/ Cá bống mắt tre
Cá bống mắt tre sống trong nước ngọt còn có tên khác là: Bống Ống Điếu, Bống mắt tre hay Bống Ông Nghệ. Đây là dòng cá bống cảnh có kích thước tương đối nhỏ tối đa 3 cm, thân hình trụ tựa ống điếu. Thân có nền màu vàng đan xen 4 mảng đen bản rộng trông tựa các mắt (đốt) thân tre. Các vây của cá có màu trắng trong xen lẫn các đốm đen.
Thức ăn chính của cá bống mắt tre là giun đông lạnh, atermia. Bể nuôi cá Bống Mắt Tre cần có thể tích tối thiểu 40 lít. Cá lên màu đẹp trong bể trồng cây thủy sinh có ánh sáng vừa, với ít lá cây khô phân hủy và gỗ mục mô phỏng môi trường nước có tính axít và màu trà nhẹ như ngoài tự nhiên.
Một số dòng cá bống cảnh khác phổ biến hiện nay như:
Cá bống Panda
Cá bống môi đỏ
Cá bống rồng
Cá bống mũi tê giác
Cá bống tượng
Trên đây là thông tin về đặc điểm của một số dòng cá bống cảnh nước ngọt và nước mặn phổ biến trên thị trường hiện nay. Hi vọng qua bài viết này bạn sẽ tìm được chú cá bống đẹp ưng ý để nuôi làm cảnh tại nhà nhé !