Các loại Lũa thủy sinh và đặc điểm cơ bản nhận biết

  • Post comments:1 Comment

Các loại Lũa thủy sinh và đặc điểm cơ bản nhận biết.

Lũa là một phần của gốc cây, thân cây đã bị bào mòn bởi tác động của thời gian. Đặc điểm chung của dòng lũa này là phần lõi cứng rất chắc và không bị ảnh hưởng bởi mối mọt, thậm chí là không thể cháy.

Lũa thủy sinh luôn mang một vẻ đẹp tự nhiên rừng rú, trải qua thời gian dài bị bào mòn và tôi luyện mỗi loại lũa có một vẻ đẹp riêng không khúc lũa nào giống khúc nào, vì thế người chơi lúc mới đầu chơi cá cảnh, thủy sinh đều muốn sắm cho mình một khúc lũa đẹp.

đặc điểm lũa thủy sinh

Do mỗi loại lũa khác nhau sẽ mang đến từng bố cục khác nhau, vì vậy bạn hãy cùng Hotdeal Mua Sắm nghiên cứu kỹ bố cục định chơi và đặc điểm của các loại lũa thủy sinh này trước khi mua nhé.

Các loại gỗ lũa thủy sinh

Có nhiều loại lũa khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là 4 loại lũa: Lũa Linh Sam, Lũa Đỗ Quyên, Lũa Xương Trùm, Lũa Trà Rừng.

1/ Lũa Linh Sam

Lũa Linh Sam

Lũa linh sam rất được ưu chuộng trong giới thủy sinh vì hình dáng tự nhiên, đa dạng về kích thước. Lũa Linh Sam đã xử lý thì không ra màu, không gây hại cho cá, chìm dưới nước và đặc biệt có độ bền rất cao.

Ngoài ra với màu nâu đặc trong của gốc và rễ cây, với hình thù không cố định, có những khúc gốc to và ra dáng rất đẹp, nên dân chơi thủy sinh hay dùng lũa linh sam để trang trí layout bể bán cạn, thủy sinh tạo thành một cảnh quan hồ rất đẹp và bắt mắt.

Nếu khéo tay bạn có thể dùng lũa Linh Sam để ghép thành những cây lũa ghép thủy sinh rất đẹp. Với đặc tính là chìm nên chỉ cần ghép xong thả xuống nước, không cần ghép lên đá hay bất cứ vật nào để nhấn chìm hết. Lũa linh sam hay thôi màu khiến nước bể bị ngả màu vàng đục, các bạn chịu khó thay nước đều trong thời gian đầu sẽ hết.

2/ Lũa Đỗ Quyên

Lũa Đỗ Quyên

Lũa Đỗ Quyên vẻ ngoài rất đẹp thường nguyên khối, có vân bóng bẩy, rắn rỏi. Khi thả vào hồ, lũa sẽ không chìm ngay mà phải mất khoảng một vài tuần để chìm hắn.

Lũa có màu vàng trong quá trình xử lý bằng nước và ngâm một thời gian lũa sẽ ra thành màu sậm. Với lũa Đỗ Quyên người chơi chủ yếu giữ nguyên bản hình dạng của lũa, ít ai dùng để ghép hình, tạo khối. Nhược điểm của loại lũa này là ban đầu chơi rất hay bị ra nhớt.

3/ Lũa Xương Chùm

Lũa Xương Chùm

Lũa Xương Chùm là loại lũa có hình dạng như tán cây, được dùng để làm tán cho lũa bonsai. Đây là dòng lũa thu hút người chơi vì có giá thành hấp dẫn, phù hợp tài chính nhiều người.

Lũa Xương Chùm chuyên dùng cho việc ghép tán cây với hình dáng rất đẹp, dễ sử dụng cho việc ghép lũa và buộc rêu lên. Đặt trong bể thủy sinh trông rất giống cây bonsai, vì thế lũa Xương Chùm là mặt hàng được ưa chuộng trong các hàng lũa thủy sinh hiện nay.

4/ Lũa Trà Rừng

Lũa Trà Rừng cũng là một loại lũa thủy sinh phổ biến khác, rất được nhiều người sử dụng vì có thể phát huy tính sáng tạo và làm nổi bật bố cục của bể thủy sinh. Tùy vào trí tưởng tượng và sở thích, các bạn có thể sắp xếp và kết nối nhiều nhánh lũa tạo nên những bố cục rừng hay tô điểm cho đá.

Lũa trà rừng có rất nhiều nhánh và dễ dàng nối ghép với nhau tạo nên bố cục ấn tượng. Đặc điểm nổi bật của loại lũa này là chìm ngay khi thả vào bể và không phai màu trong nước.

Cách xử lý Lũa thủy sinh

Cách xử lý Lũa

1/ Ngâm nước

Ngâm nước là một trong những phương pháp thường thấy, với việc ngâm lũa trong thời gian dài có thể giúp loại bỏ những chất còn lại trong lũa như: nhựa, chất độc, màu của lũa…

2/ Luộc Lũa

Luộc lũa là một phương pháp giúp đẩy nhanh quá trình xử lý lũa trước khi cho vào bể được khá nhiều anh em sử dụng. Đối với những khúc gỗ có kích thước lớn, chúng ta có thể đun nước sôi rồi dội nước lên từng phần của lũa.

3/ Dùng dung dịch hóa học

Sử dụng Oxy già hoặc các dạng dung dịch thuốc tẩy sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý lũa thủy sinh. Với việc hòa tan các dung dịch hóa học này cùng với nước sẽ giúp đẩy nhanh quá trình bài tiết các chất độc hại và nhựa ở trong lũa của chúng ta.

4/ Nướng Lũa

Nướng lũa trên ngọn lửa cũng là một cách để xử lý lũa thủy sinh. Tuy nhiên phương án này thường làm lũa bị ám màu hoặc không quen có thể làm hỏng lũa. Vì vậy hãy cân nhắc trong việc xử lý lũa bằng phương pháp này nhé.

Làm sao để cho Lũa chìm ?

làm lũa chìm

Buộc những vật nặng vào phần dưới của lũa hoặc sử dụng đá, sỏi chèn để không cho lũa nổi lên.

Đục phần dưới lũa nhét những vật có tỷ trọng lớn vào trong thân gỗ, sau đó dùng keo silicon bịt lại.

Dùng ốc vít gắn các vật nặng vào lũa, sau đó dùng các loại cây thủy sinh như Ráy, Dương Xỉ… trang trí để che đi.

Dùng các loại mút kính dán vào đáy hoặc cạnh bể, sau đó sử dụng dây buộc để cố định, sau một thời gian lũa tự chìm.

Nếu lũa khiến nước bể bị đục màu thì chỉ cần thay nước đều một thời gian hoặc thêm than hoạt tính vào hệ thống lọc là sẽ hết.

Khi lũa lần đầu có tình trạng ra nhớt, các bạn có thể thả cá mún đỏ để xử lý nhớt trên lũa.

Trên đây là những chia sẻ nho nhỏ về các loại lũa và cách xử lý cơ bản trước khi cho vào bể, mong rằng có thể giúp ích cho mọi người. Chúc các bạn sẽ tìm và lựa chọn được khúc lũa phù hợp với hồ thủy sinh của mình nhé.

Để lại một bình luận